Mặc dù cách chắc chắn nhất để xem liệu bạn có đang mắc bệnh về thận hay không là xét nghiệm kiểm tra chức năng thận ở cơ sở y tế, nhưng có một số dấu hiệu có thể cảnh báo thận đang có vấn đề hoặc bệnh lý tiềm ẩn khác.
Anh N.V.D. (38 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) chưa từng đi kiểm tra sức khỏe nên không biết trong người có bệnh. Thời gian gần đây anh D. thấy đau đầu, mệt mỏi nên đã đi khám tại phòng khám gần nhà và được chẩn đoán bị viêm xoang, điều trị bằng thuốc uống.
Tuy nhiên tình trạng không đỡ, các dấu hiệu mệt mỏi tăng lên, xuất hiện tình trạng tiểu ít, buồn nôn, phù nhiều hai chi dưới nên đã đến bệnh viện để kiểm tra.
Tại bệnh viện, qua thăm khám và xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán tổn thương thận cấp.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Bác sĩ Đồng Thế Uy, Trung tâm thận tiết niệu và lọc máu Bệnh viện Bạch Mai, cho biết tổn thương thận cấp là sự suy giảm nhanh chức năng thận trong vài ngày tới vài tuần, gây ra sự tích tụ, ứ đọng các sản phẩm của quá trình chuyển hóa không nitơ (điện giải, kiềm toan) và các sản phẩm chuyển hóa nitơ (ure, creatinin).
Nguyên nhân thường do tưới máu thận không đầy đủ do chấn thương nặng, bệnh tật hoặc phẫu thuật nhưng đôi khi do bệnh thận tiến triển nhanh, tổn thương tại thận. Các triệu chứng có thể bao gồm chán ăn, buồn nôn, và nôn.
Nếu bệnh không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến co giật và hôn mê, thậm chí tử vong. Bác sĩ Uy gợi ý các dấu hiệu của tổn thương thận cấp gồm:
- Giảm lượng nước tiểu: Một trong những dấu hiệu đáng chú ý nhất của suy thận cấp là giảm lượng nước tiểu hoặc ngưng tiểu hoàn toàn.
- Phù: Phù tại vùng chân, bàn chân, tay, mặt hoặc các phần khác của cơ thể do việc giữ nước và muối trong cơ thể.
- Mệt mỏi và ăn kém: Do tích tụ các chất độc hại và chất thải trong máu.
- Buồn nôn và nôn: Có thể do tác động của các chất độc lên dạ dày và dấu hiệu của việc các chất thải không được loại bỏ qua thận.
- Đau lưng và vùng thắt lưng: Đau và khó chịu ở vùng thắt lưng, có thể gặp cơn đau quặn thận do sỏi.
Bên cạnh các dấu hiệu trên, người bị tổn thương thận cấp còn có các dấu hiệu liên quan đến tim mạch như: huyết áp có thể thấp trong giai đoạn đầu của vô niệu nếu nguyên nhân là sốc.
Nếu vô niệu kéo dài huyết áp sẽ tăng, mức độ tăng huyết áp phụ thuộc vào lượng nước đưa vào cơ thể. Quá tải thể tích và tăng huyết áp có thể gây phù phổi cấp.
- Rối loạn nhịp tim: Nếu có kali máu tăng sẽ gây rối loạn nhịp tim, có thể gây ngừng tim và tử vong. Viêm màng ngoài tim, có thể gặp do urê máu tăng.
Về thần kinh, người bệnh có thể bị chuột rút, co giật, hôn mê do rối loạn điện giải và urê máu tăng…
Nguyên nhân sinh bệnh là gì?
Có nhiều cách phân loại nguyên nhân gây ra tổn thương thận cấp, nhưng thông thường được phân ra 3 nhóm nguyên nhân dựa trên sự khác nhau về cơ chế bệnh sinh.
Nguyên nhân trước thận: bao gồm mọi nguyên nhân gây giảm dòng máu hiệu dụng tới thận, dẫn tới giảm áp lực lọc cầu thận và gây ra thiểu niệu hoặc vô niệu.
- Nguyên nhân gây sốc: Sốc giảm thể tích (mất nước, mất máu), sốc tim, sốc nhiễm khuẩn, sốc quá mẫn…
- Nguyên nhân gây giảm khối lượng tuần hoàn khác: Giảm áp lực keo trong hội chứng thận hư, xơ gan mất bù, thiểu dưỡng.
Nguyên nhân tại thận: bao gồm các tổn thương thực thể tại thận, gặp ở các bệnh thận:
- Bệnh cầu thận và bệnh của các mạch máu nhỏ trong thận: Viêm cầu thận tiến triển nhanh, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn bán cấp gây viêm các mạch máu trong thận, viêm cầu thận cấp sau nhiễm liên cầu khuẩn, viêm mạch máu thận trong các bệnh mạch máu hệ thống, xơ cứng bì, tăng huyết áp ác tính, hội chứng tan máu tăng ure máu, nhiễm độc thai nghén, đông máu rải rác trong lòng mạch.
- Bệnh mô kẽ thận: Viêm thận kẽ do nhiễm khuẩn, viêm thận kẽ do thuốc, xâm nhập tế bào ác tính vào mô kẽ thận (u lympho, bệnh bạch cầu, ung thư mô liên kết).
- Bệnh ống thận: Hoại tử ống thận cấp sau thiếu máu, nhiễm độc thận (do thuốc, chất cản quang đường tĩnh mạch, thuốc gây mê, kim loại nặng, dung môi hữu cơ, nọc độc của rắn, mật cá hoặc mật động vật khác, nấm độc, nọc ong, thuốc thảo mộc), bệnh thận chuỗi nhẹ, tăng calci máu.
Nguyên nhân sau thận: Các nguyên nhân gây tắc đường dẫn nước tiểu của thận, bao gồm:
- Tắc đường tiết niệu cao: Sỏi niệu quản, cục máu đông, hoại tử nhú núm thận, khối u, xơ hóa phúc mạc thành sau, phẫu thuật thắt nhầm niệu quản.
- Tắc đường tiết niệu thấp: Tắc niệu đạo, tắc ở cổ bàng quang (tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, ung thư tuyến tiền liệt), hội chứng bàng quang do thần kinh.