Tại sao không có mồ hôi?
Việc tiết mồ hôi là hoạt động bình thường của cơ thể. Tuy nhiên, thông qua mồ hôi cũng cảnh báo sớm cho chúng ta nhiều nguy cơ sức khỏe.
Hệ thống tuyến mồ hôi của con người bao gồm tuyến mồ hôi nước, tuyến mồ hôi dầu và tuyến nhờn. Trong đó, tuyến mồ hôi nước hiện diện khắp vùng da trên cơ thể, nó tiết ra nước ngay tại những lỗ nhỏ li ti trên bề mặt da, mục đích chính là để điều hòa thân nhiệt.
Toàn bộ tuyến mồ hôi của cơ thể mỗi ngày có thể tiết ra 500 - 700ml dịch, tùy thuộc vào thời tiết, trạng thái hoạt động hay nghỉ ngơi... và có thể tiết đến 3 lít mồ hôi nếu bị kích thích tối đa.
Khi mồ hôi không bài tiết, cơ thể không tự làm mát được, có thể dẫn đến say nắng và nhiều hệ lụy khác, nhất là khi thời tiết nóng nực. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh không bài tiết mồ hôi bao gồm rất ít hoặc không hề ra mồ hôi, chóng mặt, đau cơ hay yếu cơ, cảm giác nóng bức, khó chịu..
Có rất nhiều nguyên nhân làm cho mồ hôi không bài tiết như: tổn thương thần kinh thực vật, mắc Hội chứng Ross, một rối loạn thần kinh ngoại biên, mắc bệnh đái tháo đường, nghiện rượu, mắc bệnh Parkinson, mắc chứng rối loạn chuyển hóa hiếm gặp, như: bệnh Fabry hay hội chứng Horner. Hoặc là các thương tích da, nhất là khi bị bỏng nặng, có thể gây tổn hại vĩnh viễn tuyến mồ hôi của cơ thể. Do thuốc chữa bệnh, kể cả một số thuốc về tim mạch, huyết áp, kiểm soát bàng quang, buồn nôn và tình trạng tâm thần... Ngoài ra, còn do các yếu tố khác như mất nước, do tuổi tác, rối loạn về da hoặc bất thường di truyền.
Một khi xuất hiện các dấu hiệu nói trên bệnh nhân nên ghi lại các diễn biến, kể cả các loại thuốc đang dùng và đến bệnh viện. Bác sĩ có thể khuyến cáo làm một số xét nghiệm như test xạ trục tiết mồ hôi định tính (QSART hoặc QSWEAT), test dấu ấn mồhôi đo giới hạn phân bố mồ hôi, test mồ hôi điều nhiệt đo lượng mồ hôi tiết ra trên toàn cơ thể, cuối cùng là sinh thiết da. Bệnh nhân nên nghỉ ngơi thư giãn, uống nước trái cây mát hoặc đồ uống thể thao, kết hợp điều trị hiện tượng kiệt sức vì nóng hoặc say nắng.