Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm tăng đường huyết mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin, hoặc cả hai.
Đái tháo đường type 2 chiếm 90-95% các trường hợp đái tháo đường
Theo Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF), năm 2019 toàn thế giới có 463 triệu người (trong độ tuổi 20-79) bị bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) tương đương 1 trong 11 người trưởng thành đang sống với bệnh ĐTĐ, dự kiến sẽ đạt 578 triệu người vào năm 2030 và 700 triệu người vào năm 2045. Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh ĐTĐ (độ tuổi 20-79) không được chẩn đoán (46,5%). Ước tính hơn 4 triệu người trong độ tuổi từ 20-79 đã tử vong vì các nguyên nhân liên quan đến đái tháo đường trong năm 2019.
Tại Việt Nam, theo dữ liệu của IDF cho thấy năm 2019 có tỷ lệ 6% người trưởng thành mắc ĐTĐ.
Bệnh ĐTĐ được phân thành 4 loại chính: thứ nhất là ĐTĐ type 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối); thứ 2 là ĐTĐ type 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin); thứ 3 là ĐTĐ thai kỳ (là ĐTĐ được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ type 1, type 2 trước đó); thứ 4 là các loại ĐTĐ đặc biệt do các nguyên nhân khác, như ĐTĐ sơ sinh hoặc ĐTĐ do sử dụng thuốc và hóa chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô… Trong đó, ĐTĐ type 2 chiếm 90-95% các trường hợp ĐTĐ.
Bệnh ĐTĐ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm, là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi.
Hiện nay, cùng với việc tăng sử dụng thực phẩm không thích hợp, ít hoặc không hoạt động thể lực ở trẻ em, bệnh ĐTĐ type 2 đang có xu hướng tăng ở cả trẻ em, trở thành vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng. Tuy nhiên, có tới 70% trường hợp ĐTĐ type 2 có thể dự phòng hoặc làm chậm xuất hiện bệnh bằng tuân thủ lối sống lành mạnh (dinh dưỡng hợp lý, luyện tập thể dục…).
Nhận biết nguy cơ của chính mình để ứng phó với bệnh ĐTĐ
Một số yếu tố nguy cơ kết hợp gây bệnh ĐTĐ type 2 gồm:
Thừa cân, béo phì: đây là nguy cơ số 1 của ĐTĐ type 2. Trẻ em thừa cân cũng có nguy cơ bị ĐTĐ type 2 nhiều hơn trẻ bình thường gấp 3 lần.
Lối sống ít vận động: khi cơ thể vận động, lượng đường trong máu sẽ giảm, do đó lối sống ít vận động có nguy cơ làm tăng đường huyết. Tăng cường vận động, tập thể dục là cách phòng tránh bệnh ĐTĐ type 2 hiệu quả.
Có những thói quen không lành mạnh: như chế độ ăn uống không lành mạnh, nghỉ ngơi không hợp lý…
Tiền sử gia đình: những người có người thân trong gia đình bị ĐTĐ type 2 thì chính họ cũng có nguy cơ cao hơn bị bệnh này.
Tuổi cao: tuy đáng buồn nhưng là sự thật, người trên 45 tuổi nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 cao hơn người trẻ.
Cao huyết áp, cholesterol cao và bệnh tim: những bệnh này làm ảnh hưởng đến mạch máu, không chỉ làm tăng nguy cơ ĐTĐ type 2 mà còn nhiều bệnh khác.
Tiền sử mắc ĐTĐ thai kỳ hoặc có buồng trứng đa nang.
Rối loạn dung nạp glucose (IGT): là tình trạng đường huyết cao hơn bình thường, nhưng dưới ngưỡng chẩn đoán đái tháo đường.
Đối với những người có nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ type 2, việc nhận biết rõ nguy cơ của mình là rất quan trọng để phòng ngừa, chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời tránh để các biến chứng, hậu quả đáng tiếc xảy ra. Do đó, khi nhận thấy mình có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào ở trên, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám, làm xét nghiệm để tầm soát, phát hiện ĐTĐ hoặc tiền ĐTĐ kể cả khi không có triệu chứng, biểu hiện lâm sàng.
Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất để phát hiện bệnh ĐTĐ và điều trị sớm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.