Axit uric là sản phẩm thải tự nhiên của cơ thể, được tạo ra khi purine từ thực phẩm bị phân giải. Việc giảm axit uric đòi hỏi chú ý đến một số yếu tố quan trọng.
Việc giảm axit uric không chỉ phụ thuộc vào chế độ ăn nhưng sẽ hiệu quả khi bổ sung các loại trái cây giàu vitamin C như kiwi. Ảnh: Kiều Vũ
Mặc dù axit uric thường được cơ thể bài tiết qua nước tiểu, nhưng khi nồng độ trong máu tăng cao, nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như bệnh gút, sỏi thận và bệnh tim mạch. Việc kiểm soát nồng độ axit uric đòi hỏi sự kết hợp giữa thay đổi chế độ ăn uống, lối sống và điều trị y tế.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, điều chỉnh chế độ ăn là yếu tố quan trọng giúp giảm axit uric. Các chuyên gia khuyến cáo hạn chế thực phẩm giàu purine như thịt đỏ, hải sản và nội tạng động vật, vì chúng làm tăng đáng kể nồng độ axit uric trong máu, gây nguy cơ bệnh gút. Đồng thời, bổ sung thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, kiwi có thể hỗ trợ giảm nồng độ axit uric nhờ khả năng tăng bài tiết axit uric qua thận.
Ngoài ra, duy trì cân nặng lý tưởng là yếu tố không thể bỏ qua. Béo phì làm gia tăng nguy cơ tích tụ axit uric trong cơ thể, trong khi giảm cân có thể giúp cải thiện rõ rệt nồng độ axit uric và giảm nguy cơ phát triển bệnh gút.
Tuy nhiên, không phải tất cả trường hợp đều có thể kiểm soát axit uric chỉ bằng chế độ ăn và giảm cân. Việc sử dụng thuốc để kiểm soát nồng độ axit uric cần được thực hiện cẩn thận và dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nhằm tránh các tác dụng phụ không mong muốn.