Bệnh viện Trung ương Huế vừa thành công thực hiện kỹ thuật ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh.
Các bác sĩ, chuyên gia của Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ghép tủy đồng loại cho bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh - Ảnh: THƯỢNG HIỂN
Ngày 19-12, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết vừa thực hiện thành công hai ca ghép tủy đồng loại, cứu sống hai bệnh nhi mắc chứng tan máu bẩm sinhhiếm gặp.
Đây là bệnh viện đầu tiên thực hiện thành công kỹ thuật ghép tế bào gốc tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên và là đơn vị thứ ba của Việt Nam áp dụng kỹ thuật cao cấp này trên các bệnh nhân tan máu bẩm sinh.
Bệnh nhi được cứu sống là cháu Hồ Ánh D. (38 tháng tuổi, đến từ Quảng Trị) và Đặng Mai Anh T. (10 tuổi, đến từ TP Đà Nẵng). Cả hai bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh Alpha-Thalassemia và phải nhập viện truyền máu hằng tháng.
Sau khi hội chẩn, các chuyên gia hàng đầu của Bệnh viện Trung ương Huế đã quyết định tiến hành ghép tủy đồng loại để cứu sống hai bệnh nhi. Qua nhiều xét nghiệm, tủy của hai bệnh nhi phù hợp hoàn toàn với hai người anh trai ruột nên các bác sĩ đã tiến hành lấy tủy và ghép.
Sau nhiều ngày ghép tủy, các chỉ số tiểu cầu và bạch cầu trong máu của hai bệnh nhi dần khôi phục bình thường, sức khỏe của cả hai cũng dần tốt lên.
Đây là hai ca ghép tủy đồng loại trên bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh thứ 3 và thứ 4 ở Bệnh viện Trung ương Huế. Trước đó có hai bệnh nhi bị tan máu bẩm sinh cũng đã được cứu sống nhờ phương pháp tiên tiến này.
"Đây là một bước tiến vượt bậc trong việc áp dụng kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại, đánh dấu thành công quan trọng trong việc điều trị bệnh lý này, mở ra nhiều cơ hội mới cho các bệnh nhi mắc bệnh tan máu bẩm sinh.
Các bệnh nhi từ nay không còn phải lệ thuộc vào truyền máu định kỳ, thải sắt hằng ngày, trẻ phát triển bình thường như những đứa trẻ khỏe mạnh khác", GS.TS Phạm Như Hiệp, giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, nói.
(st)