Cảnh giác với những căn bệnh nguy hiểm đang “trẻ hóa”
Nếu như trước đây, những căn bệnh như đột quỵ, cao huyết áp, tai biến mạch máu não,… thường xuất hiện ở người lớn tuổi thì ngày nay, các căn bệnh mạn tính này không “đợi” khi con người có tuổi mới “tấn công”. Dưới đây là những căn bệnh đang dần “trẻ hóa” và cách xây dựng lối sống lành mạnh để phòng tránh nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm này.
Đột quỵ
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não được xem là bệnh của người cao tuổi, với độ tuổi trung bình của người bệnh là 55 tuổi trở lên. Tuy nhiên, những năm gần đây, đột quỵ ở người trẻ đang trở nên phổ biến. Theo thống kê của Trung tâm Đột quỵ, bệnh viện Bạch Mai, có đến 10% người bị đột quỵ thuộc độ tuổi 18-35.
Nguyên nhân cho xu hướng trẻ hóa của bệnh đột quỵ phần lớn đến từ lối sống thiếu lành mạnh như ít vận động, hút thuốc lá, uống rượu, bia, ăn nhiều muối, chất béo, đồ ăn nhanh… Ngoài ra, một số trường hợp như uống thuốc ngừa thai, thuốc kích thích gây viêm hoặc vỡ mạch máu cũng có thể dẫn đến bệnh đột quỵ ở người trẻ.
Cao huyết áp
Cao huyết áp có thể gây tử vong và để lại nhiều di chứng nặng nề như liệt nửa người, hôn mê,... Dù là bệnh rất nguy hiểm nhưng cao huyết áp ít có triệu chứng rõ rệt, mà thường chỉ được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân khám sức khỏe định kỳ hay khám vì một lý do khác. Không ít người cho rằng tỷ lệ bệnh cao huyết áp tỷ lệ thuận với độ tuổi của người mắc. Trái với nhận định này, hiện nay, cao huyết áp trở nên khá phổ biến ở người trẻ (dưới 35 tuổi) với tỷ lệ người mắc khoảng 5% - 12%. Nếu như cao huyết áp ở người cao tuổi thường là hệ quả từ việc các động mạch hẹp lại do tuổi già gây ra, thì cao huyết áp ở người trẻ thường do các tác nhân như căng thẳng, áp lực kéo dài, ít rèn luyện thể lực, ăn ít rau xanh, ăn nhiều dầu mỡ, đồ mặn, uống nhiều rượu bia, thuốc lá, sử dụng chất kích thích...
Tiểu đường
Mặc dù độ tuổi trung bình của người bệnh tiểu đường tuýp 2 là từ 45 - 65 tuổi, thực tế cho thấy những người dưới 20 tuổi được phát hiện mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 không còn hiếm. Theo các chuyên gia y tế, bệnh tiểu đường ở người trẻ tuổi có nguy cơ biến chứng nặng hơn ở người lớn tuổi, và việc điều trị nhóm bệnh nhân này cũng khó khăn hơn vì các loại thuốc chữa trị tiểu đường hiện tại vẫn chưa được tập trung nghiên cứu cho nhóm người trẻ tuổi.
Những yếu tố ngoại cảnh như căng thẳng, ăn thức ăn có chứa chất bảo quản, nạp nhiều đường vào cơ thể,… sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2 với biểu hiện thường gặp là đi thường xuyên khát nước, đi tiểu nhiều, sụt cân không rõ nguyên nhân, tăng đường huyết…Nếu không kiểm soát đường huyết, bệnh tiểu đường sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm về tim mạch, gan và thận.
Bệnh lý về lưng
Do quá trình lão hóa tự nhiên, các bệnh như đau lưng, đau vai gáy, thoát vị đĩa đệm thường rất phổ biến ở người lớn tuổi. Tuy nhiên, với tình trạng ngồi sai tư thế trong thời gian dài, ít vận động,.. các bệnh lý này xuất hiện ngày càng nhiều ở nhóm người trẻ tuổi. Các bệnh lý về lưng gây ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống của người bệnh, khiến người bệnh đau đớn, cứng khớp, ảnh hưởng đến khả năng vận động, thậm chí có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Để ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc những căn bệnh mạn tính nguy hiểm, chúng ta cần xây dựng và duy trì lối sống lành mạnh, cũng như rèn luyện những thói quen tốt, giúp nâng cao sức khỏe. Dưới đây là một số gợi ý:
Tăng cường vận động: Đảm bảo vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày giúp chúng ta duy trì thể trạng khỏe mạnh, phòng chống các bệnh lý về tim mạch, hô hấp,... Chúng ta có thể tìm đến những môn thể thao mình yêu thích và phù hợp với bản thân như chạy bộ, đi bộ, yoga, đạp xe,… Nếu có thể, hãy cùng tập thể dục với bạn bè để biến thời gian tập thể thao trở nên hào hứng hơn nhé.
Ăn uống điều độ: Chế độ ăn cân bằng và nhiều dưỡng chất đóng vai trò quan trọng đối với cả sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tật. Chế độ ăn uống cân bằng cần đảm bảo lượng calo thích hợp, kết hợp nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật thay vì từ động vật như trái cây tươi, rau xanh, các loại ngũ cốc, sữa, đậu, hạt...
Hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, không sử dụng cất kích thích: Mọi nỗ lực xây dựng lối sống lành mạnh đều vô nghĩa nếu bạn vẫn duy trì những thói quen xấu như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, chất kích thích. Những thói quen xấu này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe một cách trực tiếp và gián tiếp, cũng như gây hậu quả cho sức khỏe về lâu dài.
Lắng nghe cơ thể: Mỗi chúng ta nên trở thành bác sỹ của chính mình bằng cách lắng nghe “thông điệp” của cơ thể. Lắng nghe cơ thể, nhận ra những dấu hiệu khác lạ sẽ giúp chúng ta biết cách yêu thương bản thân mình, san sẻ tình yêu đến mọi người nhiều hơn, góp phần cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.